#review

[ALBUM REVIEW] BỨC TƯỜNG - CÂN BẰNG: 3 CÂN, 7 BẰNG (30/70)

by Hoang Ngoc Duy

Artist: Bức Tường

Album Name: Cân Bằng (Studio album vol 7)

Release Date: 16/4/2023

Released by: Universal Music Vietnam (digital), Times Records (physical CD & Boxset)

Suggested tracks: Cân Bằng, Tự Do, Được Và Mất, Hoàng Hôn 

Nghe tại #playlist

Khi gõ những chữ đầu tiên cho bài review này, tôi đã phải nghe album này tới lần thứ 10 để thật sự chọn ra 1 cái tít hợp lý, và thật may mắn là album này vừa đúng 10 bài và ngay chính cái title của album đã giúp tôi chọn được một cái tít như vậy. 30/70, phải, có 3/10 ca khúc trong album này chiếm đến 70% chất lượng của album, và tôi gọi nhóm này là "Cân". 7 ca khúc còn lại tôi để vào nhóm "Bằng", vì những thứ cả được và chưa được của từng bài của nhóm này. Hãy kiên nhẫn đọc hết review này, vì dẫu sao đây cũng chỉ là quan điểm chủ quan của cá nhân tôi, nhưng sẽ giúp cho các bạn 1 insight chi tiết về những gì ban nhạc 28 tuổi đời này vẫn còn tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc của nước nhà. 

-------------------------

1. CÂN

Hãy để tôi nói về phần "Cân" trước, vì nó chiếm 30% số lượng ca khúc nhưng phản ánh đến 70% âm nhạc của Bức Tường mà chúng ta biết. Lần thứ 2 chúng ta thấy ca khúc chủ đề của album Bức Tường nằm ngay trên đầu tracklist. Phần mở đầu này mang lại 1 ấn tượng rất oldschool - rất lâu rồi chúng ta mới thấy Bức Tường chơi heavy metal theo lối classic như vậy từ "Nam Châm", nó làm tôi nghĩ ngay đến album Hail To The King của Avenged Sevenfold - album đã ra cách đây 10 năm để tribute cho thứ âm nhạc oldschool heavy metal. Bạn không đọc nhầm đâu, hãy nghe lại Hail To The King và This Means War của A7X để kiểm chứng lại những gì tôi nói, một sự tương đồng cực kỳ rõ rệt trong cách đi riff, câu tutti và cả solo của guitarist Vũ Hà. Track tiếp theo "Tự Do" lại mang một ấn tượng khác, PAK là contributor của ca khúc này và chúng ta thấy ngay màu sắc của một người con miền Trung ngay từ những câu hát đầu tiên. Bức Tường trở lại với phong cách Alternative Metal quen thuộc trong những năm gần đây nhưng với một sự dữ dội hơn trong câu solo và đoạn intro. Khoa đã thực sự dồn tâm huyết của mình vào ca khúc này, và nó đã mang lại màu sắc của 1 người con miền Trung dạn dày sương gió và khát khao tự do hòa quyện vào âm nhạc mạnh mẽ của BT. Và cuối cùng, "Được và Mất" lại mang chúng ta đến với 1 Bức Tường old-school heavy metal với những câu riff xé gió kiểu Pantera, tiếng bass nặng trịch của Minh Đức phụ họa cho câu guitar lead mang phong cách của những band heavy metal cổ điển như Judas Priest. Tôi thật sự hài lòng với chất lượng của 3 ca khúc này, nó thỏa mãn tai nghe của 1 người nghe nhiều nhạc "xưa" như tôi, vừa có sự cổ điển của heavy metal vừa có nét hiện đại của modern metal. 3 bài này với tôi là hoàn hảo, dù có thể tôi vẫn hơi "cấn" 1 chút với đoạn "rap" của anh Hùng trong bài chủ đề của album, lẽ ra anh chỉ cần "đọc" thôi nhưng để hiệu ứng vang vọng ở từ cuối cho chạy đến trước câu riff cuối cùng thay vì cố gắng "đọc" theo nhịp thì hiệu ứng sẽ tốt hơn nhiều.


2. ...BẰNG

Và giờ tôi sẽ dành nhiều thời lượng hơn của bài review này cho 7 ca khúc còn lại, vì sao tôi dùng từ "Bằng"? Cần phải nói cho rõ rằng những ca khúc này không hề TỆ, hoàn toàn không, nhóm ca khúc này thể hiện đúng cái chủ đề "Cân Bằng" mà Bức Tường muốn mang lại trong album này, nhưng chính cái sự BẰNG của nó khiến nhóm ca khúc này lại chưa tạo được những điểm nhấn khiến tôi phải thực sự thốt lên "Wow!", thậm chí có ca khúc tôi còn không nhận ra đây là Bức Tường. Dù rằng chất lượng của những ca khúc này, xét về chi tiết, vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của Rock Việt ở thời điểm hiện tại.


Những ca khúc như "Mùa hè đi qua" hay "Ta sẽ trở lại" mang những màu sắc khá personal trong lyrics và có thể tìm thấy màu sắc tương tự đâu đó trong những ca khúc của các ban nhạc trẻ bây giờ (tất nhiên với phần phối khí vẫn rất Bức Tường, vẫn những câu solo đẹp và guitar rhythm đẹp theo hướng modern rock), với nhiều người có thể vẫn sẽ hay nhưng nếu bạn nghe nhiều nhạc Việt bây giờ sẽ thấy 1 vướng mắc chung với các ca khúc Rock ở thời điểm hiện tại, đó là.....chưa tìm thấy được điểm nhấn trong lyrics. "Bông Hồng Xanh", một câu chuyện tưởng tượng đầy thú vị đến từ guitarist Tuấn Hùng, nhưng với tôi là 1 sự tiếc nuối, bài hát này không cần phải cố "nặng" và "dày" trong phần phối khí đến vậy, nó sẽ "Bức Tường" nhất nếu đoạn rhythm được chạy trên nền guitar acoustic. Nó đã có 1 câu solo mang phong cách neo-classical rất hay nhưng chính cái phần phối khí dày đã át đi cái đoạn "đẹp" đó, thành ra cách Khoa thể hiện trong ca khúc này dù rất dạt dào và nhiều power nhưng lại bị át bởi phần phối khí. Tôi khá thích bài tiếp theo "Hoàng Hôn", nó làm tôi gợi nhớ đến "When The Children Cry" kinh điển, nói đến đây bạn cũng đã nhận ra lý do vì sao tôi thích nó, chính vì tính old-school của nó, thêm đoạn phối background keyboard đã tô thêm vẻ đẹp cho ca khúc. Chính ra sự đơn giản của Hoàng Hôn lại là cái thứ mà Bông Hồng Xanh nên có. Thể nghiệm orchestration với "Hoa Mặt Trời" nghe ở thời điểm đầu khá hoành tráng, nhưng không hiểu đây có phải là vấn đề của mix master hay không, mà tôi cảm thấy tiếng guitar cứ bị đẩy xa dần khỏi tai, và cái power của dàn dây quá lớn lấn át cả phần guitar của band. Cũng may là tôi gần như tìm lại được "Bức Tường" mà tôi mong muốn ở "Tha Thứ", ca khúc này thì lại quá giống với "Hiếm", từ cách đặt đề bài trong lyrics cho đến các đoạn riff. Đây là track mà tôi thấy gần nhất với nhóm "CÂN" ở trên kia, nhưng phần solo thì lại quá ngắn (tiếc quá, trời ơi...). Bài chốt hạ "Tình Yêu Bất Tử" là một bài cổ động nghe khá vui tai theo kiểu Bình Minh Sinh Viên nhưng quá ngắn và không đọng lại cho tôi nhiều ấn tượng ngoại trừ phần giai điệu có thể ghép với chung với lời của... Glory Glory Man United.


3. ...và chúng ta có gì từ "Cân Bằng"?


Về tổng thể, đây là 1 album kết hợp khá tốt giữa "Cũ" và "Mới", một Bức Tường oldschool với một Bức Tường thử nghiệm một vài yếu tố mới trong âm nhạc đã có tuổi đời đến 28 năm của mình. Nó làm tôi liên tưởng tới quá nhiều thứ, từ những album cũ của BT (từ Nam Châm đến Đất Việt), từ Pantera tới A7X, và thậm chí cái thời điểm ra album này làm tôi nghĩ về con khủng long vĩ đại Metallica (cũng ra album gần với thời điểm này). Phần orchestration trong album có lẽ là đã làm thỏa mãn phần nào cái tôi âm nhạc của Bức Tường, đó là kết hợp với nhạc giao hưởng trong 1 track chính thức. Đây là 1 album mà cá nhân tôi nghĩ, trước hết đã thỏa mãn phần nào cái tôi âm nhạc của từng người trong ban nhạc, rồi đến những người đã nghe và yêu Bức Tường ở tất cả các giai đoạn thăng trầm của band.


Well, dù tôi có phân tích nhiều về những cái chưa ổn của album, thì tôi vẫn phải thừa nhận rằng một ban nhạc Việt Nam đã 28 tuổi vẫn có thể tiếp tục tìm được niềm cảm hứng để cho ra mắt những ca khúc giàu năng lượng và mang hơi thở của thời đại mới, riêng việc đó thôi đã đáng để được encouraged ở thời điểm hiện tại, và không phải ngẫu nhiên mà tôi nhắc về Metallica, một lão đại khác trên thế giới vẫn ra album ầm ầm, đi tour ầm ầm và chưa có dấu hiệu muốn dừng lại ở năm 2023.


Phạm Anh Khoa, ở album này, đã tái khẳng định đẳng cấp của 1 nghệ sĩ sáng tác khi contribute trực tiếp vào ca khúc "Tự Do", nhưng đồng thời anh đã có được sự cải thiện ở phần hát, đúng như Tuấn Hưng đã nhận xét, anh đã hát ít phô hơn, "đầm" và giàu tình cảm hơn. PAK đã thật sự cống hiến cho album này, về mặt chuyên môn, không chỉ đơn thuần là ca sĩ đồng hành như trong album "Con Đường Không Tên".


Tổng kết lại, album "Cân Bằng" đúng với cái tên của nó, 1 album có sự cân bằng giữa cũ và mới, giữa heavy sounds và những giai điệu đẹp, sự cân bằng này lại vô tình lại khiến cho tôi tự hỏi liệu sẽ hoàn hảo hơn không nếu chúng ta có thêm 1-2 track nữa trong album để nâng thêm độ nặng và sự chín muồi trong phần phối khí lên 1 cấp độ gần hơn với mức hoàn hảo tròn trịa? Và liệu cảm xúc trong album này có đang bị "cân bằng" quá không?


Well, điều quan trọng nhất ở âm nhạc thì vẫn là ở cảm xúc, và nếu bạn thực sự cảm thấy đạt được sự "dạt dào" thay vì "cân bằng" khi nghe album này, chúc mừng bạn vì đây đúng là thứ bạn cần, nhưng kể cả chưa đạt được điều đó thì đây vẫn là trải nghiệm âm nhạc xứng đáng với bạn!

Với riêng cá nhân tôi, nó là cân bằng của hoài niệm trong những luồng nhạc Rock cổ điển và sự tươi mới của modern rock, tôi vẫn sẽ thích luồng cổ điển hơn vì những thứ hoài niệm luôn luôn đẹp, nhưng tôi cũng là fan của 1 Bức Tường-modern-rock, nên tôi sẽ chờ đợi những điểm nổ cả về phối khí lẫn lyrics trong những ca khúc modern rock tiếp theo của ban nhạc, đúng với những luồng năng lượng mới mẻ mà Con Đường Không Tên đã từng mang lại cho tôi, nhưng thật đáng tiếc, không phải là thế mạnh của album này.


[ALBUM REVIEW] 6DUK - KẸT

by Hoang Ngoc Duy

Release Date: 14/8/2023

Genre: Nu Metal

Mixed & Mastered by Nguyen Thanh Liem

Recommended tracks: K3, Kệ CM, Đây Là Nơi Để Chill, Kẹt, Sick, Hôm Nào Là Hôm Nào 

6duk vẫn vậy, vẫn thẳng tuột và cục súc như những ngày đầu thành lập. Nhưng điểm khiến album đầu tay của họ trở nên xuất sắc hơn mong đợi của tôi, đó là 1 lối chơi nu metal được định hình rất rõ ràng xuyên suốt album với sự thô ráp trong những cú riff và bassline có ảnh hưởng từ Limp Bizkit được bổ sung thêm chút hiệu ứng từ nhạc điện tử, bên cạnh đó là sự chỉn chu trong khâu production, mix & master cùng với chất lượng của Thịnh (ex-vocal của Waah), vocal thứ 2 bên cạnh Lê Phương gần như là người dẫn chuyện chính với những câu rap thẳng tuột không văn vở.

Nếu để đi sâu vào từng ca khúc thì khó vì chất lượng của các ca khúc sàn sàn nhau và chưa có ca khúc nào khiến tôi cảm thấy nổi bật hơn các ca khúc còn lại. Nhưng hiểu theo nghĩa tích cực thì đây là 1 album có sự đồng đều chất lượng ở các track. Một số track khiến tôi ấn tượng hơn chút như: "Kệ CM" với phần breakdown có sự tương đồng với hardcore; "Đây là nơi để chill" với Thịnh làm rất tốt việc giải tỏa cảm xúc trong phần vocal work và các cây guitar Liêm, Tùng chạy rhythm "mềm" hơn các track còn lại; "Sick" là bài ổn nhất trong khâu production với đầy đủ các hiệu ứng âm thanh cần thiết. Năng lượng của Lê Phương trong các track có lẽ không cần bàn cãi nhiều, nhưng nếu có thể hát rõ lời hơn chút và có thể follow được các đoạn tempo nhanh thì sức nặng trong vocal work của anh sẽ rõ ràng hơn.

Phần lyrics của album tập trung phản ánh những bức bối trong cuộc sống của giới trẻ như trước nay như trước nay vẫn vậy, nên những ca khúc này chơi live sẽ rất được lòng các bạn trẻ như "Kẹt" hay "Sick", và sự bức bối này được 2 vocalist của band truyền tải khá tốt, tuy nhiên có lẽ do "thẳng" quá nên phần lời của hầu hết các track trong album này chưa có đủ sự tinh tế để đọng lại trong người nghe.

Old school nu-metal là thứ mà chúng ta đang thiếu ở rock scene VN một vài năm gần đây, và sự đầu tư làm nhạc của 6duk đã phần nào khỏa lấp được chỗ trống này. Đây là 1 trong những album hay của năm 2023 này, góp phần quan trọng tạo nên 1 năm huy hoàng của nu metal và alternative metal nói chung trong rock scene.

[ALBUM REVIEW] MỘT NGÀN TỪ - HÀ DI: CONTEMPORARY ART, NHƯNG MÀ DỐC!

by Hoang Ngoc Duy

Artist: Hà Di

Release Date: 29/6/2023

Genre: Contemporary Art Music, Alternative Metal

Recommended Tracks: Hằng, Cánh Đồng Muối....

Một Ngàn Từ là 1 album khá lạ. Không dễ để định nghĩa genre của album này. Tôi đã lựa chọn 1 cách tiếp cận album hơi khác so với các album mà tôi đã nghe - nghe lần 1 để thẩm phần vocal và có 1 màn overview nhẹ về phối khí, và nghe lần 2 để tập trung vào phần phối khí và cảm nhận những giai điệu mà - có lẽ là - đã mang tôi quay lại với Rock Việt thời Bài Hát Việt với những nhạc phẩm được phối khí có chiều sâu và lớp lang.

Hà My ban đầu làm tôi liên tưởng đến Hali - một cô gái có cá tính âm nhạc gần như tương tự nhưng chọn phong cách Acoustic nhẹ nhàng để truyền tải âm nhạc của mình, nhưng Hà My gai góc hơn và gợi nhớ tới những ca sĩ đã thể hiện dòng nhạc dân gian đương đại của Bài Hát Việt năm nào, 1 phiên bản lite của…. Hà Trần - nhà thể nghiệm âm nhạc số 1 VN với tư cách ca sĩ. Những đoạn gằn và nốt cao của cô, tôi cho rằng vẫn chưa tỏa sáng hết trong phần audio (có lẽ là vấn đề của mix master), chắc chắn tôi sẽ muốn nghe giọng ca này live ở HN trong tương lai gần.

Giờ chúng ta quay lại với Hà Di, vâng, một ban nhạc. Ban nhạc đã mang nhiều cách thể hiện khác nhau với những sắc thái khác nhau phù hợp với bài hát. Đôi lúc là những đoạn rock ballad nhẹ nhàng để Hà My thả những sắc thái mộng mơ nhưng khi vào điệp khúc là quất luôn metal như "Chín Tháng Năm Mơ", có bài thì chơi progressive rock từ đầu đến cuối như Hằng, hoặc chơi modern metal full bài như "Nếu". Nhưng tựu trung lại band luôn mở đầu bằng những câu đàn nhẹ nhàng để vocalist Hà My thả những câu dạo đầu nhẹ như mây và thể hiện năng lực thực sự ở đoạn riff metal của ban nhạc. 8 ca khúc là 8 sắc thái khác nhau, nhưng đáng tiếc là thời lượng album hơi ngắn để tôi có thể cảm nhận sâu sắc hơn nữa cái hay của album này.

Những gì mà Hà Di đã làm được trong album này, chính là cái không khí của dân gian đương đại cùng với những câu solo chậm nhưng gai góc, với phần keyboard chơi tuy đơn giản nhưng giàu melody, riff của các ban nhạc trẻ ưa chuộng dòng alternative metal ngày xưa, mà những ai đã từng nghe album duy nhất của Prophecy có lẽ sẽ có chung cảm nhận như tôi. Hà Di không cố gồng tới một mức độ khó như progressive metal, những gì họ làm là rất cơ bản để có thể nâng tầm một giọng ca ma mị như Hà My, nhưng để đưa nó thành một tổng thể đồng đều xuyên suốt album về mặt cảm xúc âm nhạc như thế này không hề dễ cho 1 ban nhạc trẻ. "Hằng" có lẽ là ca khúc ưa thích nhất của tôi, vì nó có sự đồng nhất xuyên suốt về mặt cảm xúc, cũng như cá tính của từng nhạc cụ đều có đất diễn rõ rệt, với tiếng bass dày groovy, tiếng keyboard tăng tính ma mị, những cú dồn trống đẩy nhanh kịch tính cho ca khúc, và câu guitar solo giàu xúc cảm. Nếu phải chỉ ra 1 điểm yếu của album này, thì nó nằm ở phần mix master, nếu được chỉn chu hơn nữa thì màu metal của album này cũng như quãng giọng của Hà My đã được thể hiện một cách mạnh mẽ hơn.

"Một Ngàn Từ" hay, và xứng đáng để các bạn nghe đi nghe lại nhiều lần. Ở thời điểm hiện tại, hiếm những rock band lựa chọn thể nghiệm lựa chọn âm nhạc dân gian đương đại, và chiều ngược lại không phải lúc nào cũng thấy các tay chơi đương đại sử dụng nhạc rock, mà tiêu biểu nhất là cái tên Hà Trần với "Bản Nguyên". Hà Di tuy còn rất mới, nhưng không lựa chọn một lối đi alternative metal an toàn như một ban nhạc trẻ chơi dòng này thường lựa chọn, mà chọn cách tiếp cận biến tấu theo màu sắc và cảm xúc của vocalist. Tôi thích màu sắc âm nhạc này của họ, và hy vọng những điều tôi viết ở đây cũng sẽ mang lại cho các bạn một góc nhìn trực diện về album này thay vì đưa tin như truyền thống.

STEVE VAI: LIVE IN HO CHI MINH CITY - VIETNAM 

by Emoodzik

Show diễn của bậc virtuoso Steve Vai ngày hôm qua tại Tp. HCM quả nhiên là màn thể hiện vô giá cho những người yêu âm nhạc Việt Nam.

Với phần trình diễn có nhiều bài trong album mới mang tên Inviolate, Steve Vai vẫn đưa người nghe gợi nhớ lại âm nhạc thời trẻ của ông, cũng nhờ album Inviolate này dù chơi nhạc “theo kiểu mới” nhưng vẫn mang nhiều màu sắc của Steve Vai thời bắt đầu thành danh cùng cây guitar trong vai trò nghệ sĩ solo.

Ngoài ra, setlist cũng "chu đáo" đan xen một số bài trong các album được đánh giá cao thời kỳ thập niên 90s đến đầu 2000s, như Passion & Warfare, Alien Love Secrets, Fire Garden, hay Sound Theories.

Tận mắt chứng kiến mới thấy, Steve Vai quả nhiên là một bậc thầy sử dụng whammy bar (không biết đây có phải là ý đồ của ban tổ chức khi mời ông về diễn hay không) để tạo ra những nốt nhạc đầy xúc cảm. Cây guitar nằm trong tay ông giống như một con thú bị thần phục hoàn toàn ngoan ngoãn tuân theo ý muốn của chủ nhân khi thì nũng nịu lúc lại ngúng nguẩy giận dữ. Và dĩ nhiên không thể không nói đến “con quái vật Hydra” ba đầu. Hơi tiếc là ông chỉ thể hiện đúng một bài trên cây đàn đó.

[ALBUM REVIEW] METALLICA - 72 SEASONS 

CRE: LOUDWIRE - Dịch: Dan Huy Ramone

72 Seasons là một kiệt tác.

Điều này không có nghĩa là cường điệu hóa album này lên; Album mới của Metallica là một lời tuyên bố mạnh mẽ nhất mà họ đã đưa ra với tư cách là một ban nhạc kể từ ...And Justice For All.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong 35 năm qua kể từ khi Justice được phát hành, Metallica đã tạo ra những kỷ lục lịch sử và thay đổi một cách khó quên; "Black Album" sẽ mãi mãi ngự trị trong vũ trụ của chính nó với tư cách là một trong những album hay nhất mọi thời đại và St. Anger cũng sẽ cần nhận được sự tín nhiệm xứng đáng vào một ngày không xa. Nhưng chưa bao giờ Metallica có vẻ tức giận và kiểm soát nhiều hơn so với những gì họ làm trong 72 Seasons, và điều đó phần lớn là nhờ James Hetfield.

Kirk Hammett có vẻ như đã thuộc lòng lời khuyên của Lou Reed, đó là tin vào bản năng của mình trong những màn solo. Robert Trujillo và tiếng bass của anh ấy càng mạnh mẽ và tự tin hơn bao giờ hết. Lars Ulrich thì toàn lực chỉ huy ban nhạc xuyên suốt 12 bài hát của album.

Nhưng với Hetfield, anh ta tỏa sáng hơn bao giờ hết.

" Về cơ bản, 72 Seasons được lấy từ một cuốn sách mà tôi đang đọc về thời thơ ấu," Hetfield chia sẻ khi album được công bố lần đầu tiên vào tháng 11 năm 202 . "Từ thời thơ ấu tới khi trưởng thành. '72 Seasons' về cơ bản là câu chuyện 18 năm đầu tiên trong cuộc đời bạn. Làm thế nào để bạn phát triển, trưởng thành cũng như phát triển ý tưởng và bản sắc của chính mình sau 72 mùa đầu tiên đó? Một số điều là khó khăn hơn những thứ khác. Một số thứ bạn không thể bỏ qua và chúng ở bên bạn đến hết cuộc đời. Những thứ khác, bạn có thể tua lại cuộn băng và tạo một cuộn băng mới trong cuộc đời mình. Đó mới là phần thú vị thực sự đối với tôi, đó là cách bạn có thể giải quyết những tình huống đó khi trưởng thành và chín chắn."

Điều tốt, điều tệ, điều xấu và điều khó quên trong cuộc đời của Hetfield thấm đẫm trong từng giây của 72 Seasons, từ lời bài hát thú nhận đầy sâu sắc và dễ bị tổn thương đến giọng hát thô cộc, có phần bực bội của anh ấy. Mọi thứ đều không thành vấn đề nếu anh ấy hát về niềm hy vọng tiềm ẩn về ánh sáng vĩnh cửu trong "Lux Æterna" hay tình yêu mà anh ấy chia sẻ với một người tình được gọi là Misery trong "Inamorata", Hetfield vẫn luôn luẩn quẩn trong album này, và rồi chúng cảm giác nghe hay hơn những gì anh ấy có được trong một thời gian dài.

Một số người có thể thấy lời bài hát quá ảm đạm, nhưng thực tế là nếu Hetfield hát về 18 năm đầu tiên của cuộc đời và những khoảnh khắc định hình nên anh ấy, thì anh ấy sẽ không thành công. Không có khoảnh khắc nào để bạn lấy lại nhịp thở trong 72 Seasons hoặc để đánh lạc hướng bản thân ra khỏi bóng tối đầy tính thực tế trong các bài hát.

Nhưng Hetfield và đồng minh xung quanh anh ấy sẽ không để bạn một mình sống trong bóng tối đó; họ sẽ dẫn dắt bạn vượt qua nó và họ không bao giờ để bạn bỏ cuộc hay nhượng bộ.

Và đó dường như là mục tiêu của album mới này. Nặng nề như vậy và dù Hetfield có đen tối đến đâu, Metallica luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn đối mặt với 72 mùa đầu tiên trong cuộc đời của chính mình.

Hetfield gần đây đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Steffan Chirazi. "Tôi biết những phần trong tôi mà tôi muốn thay đổi, nên tôi cần phải nỗ lực, dù đó là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng tôi đã nhận thức được điều đó. Bây giờ tôi có khả năng đưa ra lựa chọn của riêng mình. Có rất nhiều yếu tố tâm lý tác động trong việc này và tôi có thể suy nghĩ kỹ về tất cả những điều đó, nhưng suy cho cùng, 72 Seasons sẽ hình thành con người bạn như thế nào? Liệu tôi có thể thay đổi hay không? Đó là câu hỏi của cả đời này."

Trong "Room of Mirrors", ca khúc cuối của album, Hetfield đưa ra câu hỏi muôn thuở: "So I stand here before you / You might judge / You might just bury me / Or you might set me free." Metallica đã cố gắng đi tìm sự tự do đó trong 72 Seasons — và may mắn thay, họ đã mời người nghe tham gia cùng họ trong cuộc hành trình ấy.


[EP REVIEW] DZUNG - MÚA SẠP XÒE HOA (The Dance Of The People)

by Hoang Ngoc Duy


Nhạc rock. Nhạc dân tộc. World Music. Nhạc metal với âm hưởng dân tộc. Bạn đã được chứng kiến vẻ đẹp của tất cả các loại âm nhạc trên trong gần 6 phút có lẽ là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chơi nhạc sống của Dzung, tại 1 trong những sự kiện âm nhạc mang tính quốc tế như HOZO Festival.

Màn trình diễn này của Dzung và ekip là một trong những bài học kinh điển về việc thực hiện 1 ý tưởng điên rồ thành hiện thực ở cấp độ hoàn hảo nhất. Dù đã rất thành công với Dzanca, gã đồng nát của chúng ta vẫn phải thuyết phục được nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng cũng như chính những người đồng đội thân thuộc (Cường Nhóc, Vinh Cóc) về tính khả thi của màn đồng diễn này. Việc này đòi hỏi tư duy và tầm nhìn cực kỳ sắc sảo của 1 producer, người có thể tự hình dung trong đầu nhạc cụ nào sẽ được sắp xếp vào đâu để tạo nên 1 màn đồng diễn hoàn chỉnh thay vì 1 mớ hổ lốn. Mở đầu bằng câu lead guitar dẫn dắt, không gian âm nhạc mở rộng dần với tiếng trống Taiko và tiếng sạp hòa cùng nhau, lúc này Cuong Cam LaVinh cóc mới vào cuộc để boost up công lực của bản phối, rồi nối tiếp bằng đàn tranh, đàn t'rưng....hòa cùng nhau trên những câu lead và riff rất Dzung. Cái tài tình của Dzung là thay vì chơi nguyên 1 lèo 6 phút thì gã đồng nát khéo léo chia ra thành 2 đoạn với quãng nghỉ vừa đủ để người nghe không bị ngợp, vào đoạn 2 các nhạc cụ dân tộc lên tiếng trên nền trống dẫn dắt của Cường Nhóc - producer chỉ huy cả 1 dàn trống thượng hạng - trước khi tiếng đàn mê hoặc của Dzung thực sự đưa ta vào 1 thế giới World Music đầy sắc màu. Và cú chốt hạ với dàn đồng ca thiếu nhi thực sự đỉnh cao, hòa với tất cả các nhạc cụ trên, giọng của các em không hề bị lẫn, bị ngợp trong sự hoành tráng của cả 1 dàn nhạc lớn như vậy. Các em đã nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc của bản phối, 1 bài đồng dao thiếu nhi. Một ý đồ tài vcl tình mà tôi phải thật sự ngả mũ về sự sáng tạo dường như không có điểm dừng của Dzung. Không cần phải đợi thằng bạn tôi nói thì tất cả đều phải thừa nhận 1 điều này: toàn bộ dàn nhạc này đã thực sự chơi metal!

Ban đầu Dzung chia sẻ với tôi về ý định làm MV, nhưng rốt cục thì 1 cú điện thoại của nhạc sĩ Huy Tuấn đã mở ra 1 hướng đi thậm chí còn hoàn hảo hơn thế: mang nhạc dân tộc và nhạc rock cùng nhau lên sân khấu của 1 festival âm nhạc! Và sự chuẩn bị kỹ lưỡng lần này mang lại quả ngọt thật sự. Đó là công sức của 1 tập thể và bộ óc producer thiên tài của gã đồng nát để mang thứ âm nhạc nặng, thậm chí là khó chơi nhất trong số các loại nhạc này, đến với công chúng và bạn bè quốc tế.

Một kỳ tích nữa vừa được bổ sung vào gia tài đồ sộ của gã đồng nát của chúng ta! 

[EP Review] Fracma - "Anh là....?"

By Nguyen Viet Bao Trung 


Fracma không phải là cái tên quá mới lạ đối với rock scene Hà thành, khi đã từng có kha khá tác phẩm release từ 2020, và có 1 số phần thể hiện tại HRC cũng như Đầm tròn fest, Guitar plus contest. Có thể gọi vui Fracma là “ban nhạc lang chạ”, khi sở hữu “leader lang chạ” Hải xoăn và “vocal lang chạ” Hoàng Hà Phi, với sự tích cực góp mặt của mình ở nhiều đội ngũ khác nhau. Sau thời gian lắng lại với những thể nghiệm mới, Fracma trở lại với 1 MV rất thú vị mang tên “Sự thật” (bài hay nhất của nhóm so far theo quan điểm cá nhân), và bây giờ là EP "Anh là...?"

Một EP có thể nói là khá “tham”, khi dù chỉ có vỏn vẹn 5 ca khúc, nhưng xuất hiện trong đó rất nhiều màu sắc, từ nu metal, alternative, pop rock, electro, cho đến cả rapcore, r&b như bài hát ngay khởi đầu. Điểm nổi bật của Fracma trong EP này là sự định hình phong cách lửng lơ bất cần khá đặc thù, và nó vừa là điểm hay khi tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả, nhưng cũng là điểm dở, khi sự lửng lơ ấy chưa thực sự tới. Với phong cách này, có lẽ những gì Hải xoăn đã làm với Phách Ca như ở “Nơi đó”, “Hoa mẫu đơn” mang lại sự hiệu quả lớn hơn.

Điểm sáng nhất có lẽ là phần chorus, đặc biệt ở “Điên”, đủ catchy và đủ thấm về giai điệu. Thế nhưng, sự thiếu kết nối với tổng thể bài nhạc khiến cho điểm sáng ấy trở nên khá rời rạc. Phần phối khí từng đoạn khá ấn tượng và đặc sắc, nhưng khi ghép nối vào lại có sự lệch pha nhẹ. Một điểm trừ lớn nữa nằm ở ca từ, khi có một số phần chưa được chắt lọc và trau chuốt, khiến người nghe cảm thấy tương đối gợn. Phần scream của Phi chưa quá nặng, nhưng là những điểm nhấn khá vừa phải và phù hợp.

Hy vọng Fracma sẽ tiếp tục những thể nghiệm mới để định hình được màu sắc âm nhạc phù hợp cho mình, thay vì tiếp tục không biết là rapper hay rocker để phải đi tìm mình là ai.


THE ARISTOCRATS "THE DEFROST TOUR": LIVE IN VIETNAM  - Khi nhạc hàn lâm cũng vẫn vui !

by Hoang Ngoc Duy


Mở bài bao giờ cũng là cám ơn nhà tài trợ. Xin gửi lời cảm ơn tới Whammy Bar đã tạo điều kiện cho team admin của VnRock có cơ hội hiếm hoi được "rửa tai" với nghệ sĩ tầm cỡ thế giới như thế này.

Với riêng cá nhân tôi, không gian của Học viện âm nhạc Quốc gia làm tôi nhớ lại những tháng ngày du học ở Anh, được hội sinh viên trường cho đi những nhà hát để được thưởng thức âm nhạc hàn lâm, hay cái đơt bỏ tiền lên Manchester xem Dream Theater chơi tại Theater of Manchester. Nó làm tôi bồi hồi vô cùng.

Về trải nghiệm âm thanh, đồ ngon, loa ngon, không có gì phải bàn cãi về chất lượng âm thanh. Tiếng bass của Bryan Beller dù đôi lúc hơi rè và bùng bùng nhưng tổng thể vẫn được truyền tải tốt. Drum sound và guitar sound nét căng và dominate hoàn toàn khán phòng, dù với cách chơi rất thư thái.

Với tư cách là người.... chưa từng nghe The Aristocrats, trải nghiệm của tôi rõ ràng sẽ không được đầy đủ như những người đã nghe. Nhưng sự vui vẻ và hài hước của bộ ba này đã khiến cho đêm nhạc trở nên vô cùng entertaining. Họ chủ động tạo nên bầu không khí vui vẻ, tương tác khán giả  kể những câu chuyện bên lề.... trước khi chơi nhạc. Những bản nhạc của họ đa màu sắc, đa dòng nhạc, progressive có, heavy metal kiểu 60s 70s có, dance cũng có.... nói chung là đúng kiểu mẫu của 1 rock/fusion band được lập riêng để thỏa mãn cái tôi chơi nhạc của từng người.

Govan, Minnemann và Beller đã mang lại những giây phút đáng nhớ với 1 lối chơi thanh thoát với phong thái rất ung dung, sảng khoái, đúng đẳng cấp world class. Ngồi cánh phải nhìn cái dùi của Minnemann cứ như bị bẻ cong dù nhìn tay không có vẻ gì như đang dồn lực, ảo ma vcl. Tiếng bass của Beller tự nó kể lên một cốt truyện, trong khi Govan thêm đủ các loại mắm muối và định hình thể loại cho cốt truyện đó, drama, comedy, adventure, action.... đủ cả.

Và điều đáng để ghi nhận là lượng khán giả lấp đầy khoảng 70-80% khán phòng (không tính cánh gà). Show này tôi không quay video vì chỉ muốn nuốt trọn từng âm thanh ở chất lượng này, tuy nhiên vẫn sẽ có những đoạn video ngắn up lên group.

Chúc mừng những anh em đã mua vé, vì chúng ta đã có 1 trải nghiệm vui vẻ với The Aristocrats trong 1 không gian hàn lâm thực thụ.


[Album Review]  MỦN GỖ - Chuyện Chàng Mủn Gỗ 

by  Hoang Ngoc Duy


Rất dễ để nhìn ra trend của các ban nhạc mới bây giờ. Họ thả hồn vào cuộc sống và đưa nó vào giai điệu của riêng mình với những câu melody không quá phức tạp nhưng lyrics mang tính tự sự rõ rệt. Mủn Gỗ lại chọn hướng đi khác: họ mạnh dạn chọn những chủ đề mang tính tuyên truyền cổ động, để tiếp cận những đối tượng người nghe rộng lớn hơn, radio-friendly và có tiềm năng tiếp cận ngay cả với những nền tảng truyền thông đại chúng như TV.  

Tôi đã gặp Giang vào một buổi chiều nọ. Có lẽ cùng là người "nhà nước" nên chúng tôi bắt sóng rất nhanh. Giang đã chia sẻ với tôi về những tâm tư khi viết những ca khúc mang tính "khó nhằn" với chủ đề về lịch sử, biển đảo, những thứ mà có lẽ chúng ta đang thấy "thiếu thiếu" dạo gần đây.  Mà chính xác là từ khi album "Đất Việt" của Bức Tường ra mắt vào năm 2014, những ca khúc mang tính cổ động dần dần thưa thớt. Do đó, sự xuất hiện của Mủn Gỗ với màn debut "Mị Châu", dù còn nhiều thiếu sót trong khâu mix master, vẫn là 1 dấu ấn không thể bỏ qua của rock scene năm 2021. Và ở Giang, tôi nhìn thấy một khát khao thật sự trong việc lấp lại khoảng trống của mảng âm nhạc "thông điệp", một thứ nhạc Rock mạnh mẽ nhưng vẫn có tính radio-friendly để có thể chơi ở nhiều không gian khác nhau như đêm nhạc sinh viên, minishow, các chương trình cổ động hay thậm chí là TV show.

Rất nhiều ban nhạc sinh viên vẫn đang chọn nhạc Bức Tường để chơi trong những dịp biểu diễn tại trường đại học. Và tin vui, tôi có thể khẳng định Mủn Gỗ sẽ cho các bạn thêm một nguồn cảm hứng nữa - dù họ chưa có quá nhiều tác phẩm.

Nhạc của Mủn Gỗ chia làm 2 mảng. Mảng "cổ động" với những bài hát, như tôi đã nói, lấy cảm hứng lịch sử, truyền thuyết như Ô Quy Hồ, Mị Châu, mang thông điệp nhân văn như Hoa Mặt Trời, hay thậm chí là lấy chủ đề biển đảo như "Đi Tìm Ánh Dương". Mảng "tự sự"  mang lại hình ảnh một chàng trai tên Mủn Gỗ "nội tâm, lãng mạn, yêu đời" với 3 bài hát trong EP trước đó đã được remastered lại cùng 3 bài hát mới.

Với mảng "cổ động" tôi khẳng định đây mới là signature vibe của album cũng như cái tên Mủn Gỗ. Hầu hết theo phong cách hard rock nên tiếng trống trong nhóm ca khúc này có lực hơn hẳn, đồng thời bạn sẽ cảm nhận được độ trầm của tiếng bass cùng những câu guitar riff đặc trưng. Mị Châu đã được remastered lại, trong khi Ô Quy Hồ là 1 track nổi bật hơn hẳn với âm thanh "bản xứ" đặc trưng cùng một cách kể chuyện sâu sắc. Hoa Mặt Trời là 1 ca khúc tốt với phần lyric mang một thông điệp tích cực, phần guitar rhythm đẹp và câu riff hay nhất cả album. Track Đi Tìm Ánh Dương, dù phần lời khá hùng hồn nhưng phần nhạc lại phối hơi cũ, mix chưa đủ dày để mang lại power cần thiết cho bài hát. Vocal work trong nhóm ca khúc này mang lại cho tôi một cảm giác rất.... Đông Hùng, rất có lực, có hồn và various range. Phần keyboard dướng nhu vẫn còn hơi an toàn và chưa có nhiều dấu ấn thật trong cách chơi nặng tính classic của band. 

Với nhóm ca khúc "Tự sự", thực tình mà nói chưa gây được cho mình nhiều ấn tượng. Mang màu sắc rock ballad chủ đạo, Mủn Gỗ lại bộc lộ điểm yếu của mình khi các ca khúc còn ở mức an toàn, có bài về Hà Nội thì lại phối theo hơi hướm pop nhẹ nhàng của nhạc Việt thời 200x. Mình đang có cảm nhận ở mảng này, band đang khá giống với Whee của những ngày đầu thi Rock Việt, với phần lyrics đẹp nhưng phần phối lại quá an toàn và nhạt nhòa. Cá nhân mình vẫn thích phần phối remastered của Trở Về Miền Ký Ức, hay phần lyrics cũng như vocal work đầy tình cảm của Huy Hải trong Gửi Em.... nhưng chỉ có vậy. Phần này các bạn làm chưa tới, và thật tiếc là nó lại chiếm 60% album.

Tổng kết lại, đây vẫn là 1 full-length thể hiện được tiềm năng của Mủn Gỗ, tuy nhiên band nên tập trung phát triển mảng mạnh nhất của mình để các records tiếp theo có chất lượng tốt hơn, mix và master cần tạo được thêm độ dày cho sound của các records tiếp theo. Nếu làm được như vậy, Mủn Gỗ chắc chắn sẽ thành công hơn ở các release tiếp theo.


THE DARK SIDE OF THE MOON - PINK FLOYD (1973) 

Cre: Tyler Golsen - Far Out Magazine (D. H. Ramone dịch)

Tất cả bắt đầu với tiếng nhịp đập. Đối với một album thể hiện bao gồm toàn bộ phạm vi cuộc sống từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, thì đó cũng là nơi hợp lý để bắt đầu. Nhưng khi một tạp âm của tiếng ồn và giọng nói bắt đầu được lọc ra, nhịp đập ấy đó đóng vai trò là kim chỉ nam cho một thứ gì đó nham hiểm hơn. Khi nó ngày càng phát triển, ý tưởng về sự điên rồ bắt đầu nổi lên khắp xung quanh như một điều tất yếu không thể tránh khỏi. Những tiếng cười rùng rợn và sự đền đáp đến phát điên tiếp tục được xây dựng khi một giọng nói quái gở bắt đầu hét lên. Ngay khi nó đạt đến đỉnh cao một cách đáng sợ, mọi thứ đều tan biến. Đó là cách Pink Floyd đưa bạn vào album vĩ đại nhất của họ, The Dark Side of the Moon.

Khi The Dark Side of the Moon sắp ra mắt, những người ngạc nhiên nhất về album ấy có lẽ chính là Pink Floyd. Sau hơn nửa thập kỷ tìm kiếm danh tính mới của họ kể từ khi mất đi người lãnh đạo sáng tạo, Syd Barrett, các thành viên còn lại của Floyd đã cùng nhau tạo ra một thứ gì đó thật kỳ diệu. Sau vô số album thử nghiệm lơ đãng và vô định, Pink Floyd đã tập hợp lại một kiệt tác được chế tác hoàn hảo, bùng nổ với các chủ đề vượt thời gian và được hình thành từ giai điệu thiên tài, bầu không khí u ám và cảm giác rùng rợn.

Pink Floyd đã có khoảng thời gian khó khăn trước khi *The Dark Side of the Moon *được ra mắt. Vì vậy, khoảng thời gian khó khăn của họ đã được khai thác để tạo nên cảm hứng. Roger Waters cần phải thể hiện khả năng của mình với những ca từ mang tính triết học và nhân văn. David Gilmour và Richard Wright đã phải tìm ra tiếng nói của họ, với tư cách là ca sĩ và người viết nhạc. Nick Mason phải kết nối nhịp điệu vững vàng và chắc chắn của mình với xu hướng thử nghiệm vòng lặp băng. Ban nhạc đã phải kết hợp, kết hợp các tác phẩm progressive rock hoành tráng của họ với chất liệu thân thiện với nhạc pop hơn. The Dark Side of the Moon đã hoàn thành tất cả những điều đó và còn nhiều điều hơn thế nữa.

Xen kẽ giữa những chuyến du ngoạn theo chủ đề hoang dã và những đĩa đơn bất ngờ được chuẩn bị cho đài phát thanh, The Dark Side of the Moon là album hiếm hoi có thể được trải nghiệm dưới dạng một bản nhạc đầy đủ hoặc dưới dạng các bài hát riêng lẻ mà không phải là một sự dàn xếp. Tất nhiên, bạn cần nghe Dark Side như một album không bị gián đoạn: nó có lẽ vẫn là đĩa LP hấp dẫn nhất trong lịch sử nhạc rock. Nhưng nếu bạn nghe 'Money', 'Breathe' hoặc 'Time' ngoài trình tự cụ thể của album, thì không khó để hiểu Pink Floyd đang nhắm đến điều gì. The Dark Side of the Moon là một album theo chủ đề progressive rock được chế tác hoàn hảo, tình cờ được lấp đầy bằng một số bài hát rock hay nhất của thập niên 70.

Bài đầu tiên trong số đó là 'Breathe', sự suy ngẫm về cuộc sống đóng vai trò là "bài hát" đầu tiên của album. “Speak To Me” tuy xuất hiện trước cả “Breathe” những bản nhạc ấy cũng chỉ là tác phẩm được overture/cắt ghép lại với nhau. Còn 'Breathe' mới là nơi Dark Side đưa ra lời tuyên bố đầu tiên của mình. Với sự phát triển hợp âm từ nhỏ đến lớn đã trở thành một phần đặc trưng trong âm thanh của Floyd, 'Breathe' đưa ra một chỉ thị rõ ràng: “Đừng ngại quan tâm đến điều gì cả”. Waters tình cờ bắt gặp mối quan tâm của anh ấy đối với tình trạng con người qua "Echoes", cùng một ca khúc mà Gilmour và Wright đã phát hiện ra rằng giọng hát của họ hòa hợp một cách hoàn hảo. Thay vì tỏ ra cay đắng hay bi quan, Waters thể hiện sự đồng cảm trong 'Breathe'… ít nhất là cho đến khi anh ta đưa ra lời cảnh báo về cuộc chạy đua với tử thần.

Cùng với đó, cuộc đua bắt đầu khi 'On the Run' diễn ra với tốc độ chóng mặt. Ban đầu có tựa đề là 'The Travel Sequence', 'On the Run' xuất phát từ một vấn đề cá nhân về tâm lý của Waters: nỗi sợ bay của anh ấy. Việc di chuyển liên tục đã và đang là mối quan tâm chung của các nhạc sĩ nhạc rock, nhưng 'On the Run' không chỉ đóng vai trò là lời phàn nàn về việc không ở nhà. Với sự lặp lại liên tiếp từ synthesiser và các hiệu ứng âm thanh được thêm vào, "On the Run" là một bức tranh âm thanh đại diện cho một trong những chủ đề chính của album: cái chết.

Cái chết chiếm vị trí trọng tâm trong hai bài hát cuối cùng kết thúc phần một của Dark Side. "Time" bùng nổ với một loạt tiếng báo động hỗn tạp được ghi lại bởi kỹ sư Alan Parsons. Tiếng báo động chỉ là một trong nhiều hiệu ứng phi âm nhạc giúp mang lại cho *Dark Side *tiếng vang liên quan đến chủ đề của nó. 'Time' chứa đầy những âm thanh này, cho dù đó là tiếng bass được tắt tiếng của Waters dùng để bắt chước tiếng tích tắc của đồng hồ hay tiếng rototoms của Mason tạo thêm bầu không khí như được tiên đoán trước. Khi ban nhạc bắt đầu theo nhịp điệu sôi động, Waters (thông qua Gilmour và Wright) suy ngẫm về những khía cạnh của cuộc sống. Để hiểu rõ vấn đề, Waters đã tạo ra một trong những sự quan sát hay nhất từng được ghi vào băng: “Bám chặt lấy sự tuyệt vọng một cách thầm lặng là cách của người Anh”. Mặc dù điều đó có thể đúng, nhưng ranh giới đó đã trở nên phổ biến hơn những gì Waters có thể tưởng tượng.

Trong khi 'Time' xoay quanh cái chết không thể tránh khỏi, 'The Great Gig in the Sky' lại thể hiện cách trực tiếp đối mặt với nó. Không có một lời bài hát nào, tiếng đàn piano của Wright đưa âm hưởng phúc âm của bản nhạc lên hàng đầu. Để đưa người nghe qua những đám mây, ca sĩ Clare Terry đã ghi lại những tiếng than khóc không lời tượng trưng cho sự thăng thiên tới thế giới khác. Giữa giọng hát của Terry, những đoạn có giọng nói liên quan đến số phận chung của cái chết. Mặc dù không ai trong số các đối tượng ấy sợ chết, nhưng cường độ về giọng hát của Terry có thể khiến người nghe cảm thấy thật khác thường.

Những giọng hát xuất hiện rải rác trong album hầu hết thuộc về những người xung quanh quỹ đạo của ban nhạc. Người quản lý Peter Watts, tay guitar Henry McCullough của Wings và roadie Roger 'The Hat' Manifold đều cho thấy những quan điểm độc đáo của họ đối với các chủ đề của album. Các giọng nói khác nhau không kể nhiều về album mà chúng tô điểm cho nó bằng sự thực tế. Khi mỗi người tham gia được hỏi liệu họ có đúng sau lần chạm trán lúc đó ở phần cuối của 'Money' hay không, thật thú vị khi nghe mỗi người và mọi linh hồn đều bảo vệ lựa chọn của họ - ngoại trừ McCullough, người đã "thực sự say vào thời điểm đó".

'Money' đóng vai trò là sự mỉa mai của Dark Side of the Moon. Waters có quan điểm mỉa mai về việc tiến lên trên toàn thế giới, khi tình cờ mua các đội bóng đá và máy bay phản lực Lear mà không lên án cụ thể cũng như lên án chủ nghĩa tư bản là cốt lõi của bài hát. Tất nhiên, 'Money' đã giúp Pink Floyd trở nên giàu có: nó gần như lọt vào top 10 bản hit ở Mỹ và giúp Dark Side có cú hích ban đầu. Giờ đây, album đã bán được hơn 45 triệu bản trên khắp thế giới, thật dễ dàng để có cái nhìn phê phán hơn đối với một bài hát như 'Money'. Nhưng với bass quyến rũ, sự kết hợp khéo léo giữa saxophone và guitar solo, và nhịp điệu rock and roll cuốn hút, 'Money' là thứ không thể cưỡng lại như lợi nhuận tiền tệ mà nó đề cập đến.

Dark Side có thể sẽ không bán được ở bất kỳ nơi nào gần với số lượng bản sao mà nó đã làm nếu không có bìa album đặc biệt. Được thiết kế bởi Storm Thorgerson, người đồng sáng lập Hipgnosis, cũng là cộng tác viên lâu năm của Floyd, lăng kính là một hình ảnh ngay lập tức trở nên nổi bật. Kết hợp các yếu tố trong màn trình diễn đầy ánh sáng của ban nhạc với các chủ đề về sức mạnh và sự kiểm soát, bìa trước của The Dark Side of the Moon có một loại từ tính kỳ lạ mà đối với nó, đó là một thứ gần như khiến bạn phải tìm kiếm.

Pink Floyd mờ dần khỏi giai điệu vui nhộn đến điên cuồng của "Money" và chuyển sang phần mở đầu nhẹ nhàng của "Us and Them", một trong những bức chân dung nhân loại hấp dẫn nhất của Waters. Được hỗ trợ bởi phần trình diễn piano thú vị của Wright, 'Us and Them' công khai tự hỏi làm thế nào mà con người trở nên lạc lối, rồi bị cuốn vào sự khác biệt của họ đến một điểm đột phá bạo lực và vô nghĩa. Bí quyết lớn nhất của Waters với Dark Side là anh ta không bao giờ tác động bạn bằng những lời nhắn của mình. Với việc thường sử dụng sự đơn giản để thể hiện các chủ đề phức tạp theo một cách phổ quát, Waters đã xây dựng một cách khéo léo và đầy chất thơ như anh thể hiện trong 'Us and Them'.

Từ đó, album đi vào chuỗi cuối cùng, đề cập đến một mối quan tâm cuối cùng liên tục ám ảnh ban nhạc: sự điên rồ. Các chủ đề của "Brain Damage" và "Eclipse" xuất hiện sau phần nhạc cụ chuyển tiếp của "Any Color You Like" liên quan trực tiếp đến ca sĩ, nhạc sĩ kiêm thủ lĩnh trước đây của họ. Syd Barrett đã hoàn toàn cô lập bản thân với thế giới bên ngoài vào thời điểm Floyd đang thu âm The Dark Side of the Moon và mối quan tâm của Waters dành cho người bạn cùng nhóm cũ của anh ấy đã khởi động quá trình sáng tạo mà cuối cùng đã biến thành album thích đáng.

Với việc Waters lần đầu tiên đảm nhận phần hát chính trong album, 'Brain Damage' đã thể hiện cái gật đầu trực tiếp với Barrett trong câu thoại, "and if the band you’re in starts playing different tunes / và nếu ban nhạc mà bạn tham gia bắt đầu chơi các giai điệu khác nhau". Với cú hích phúc âm cuối cùng, 'Brain Damage' đi thẳng vào đỉnh cao cuối cùng với 'Eclipse', kết thúc album với nỗ lực cuối cùng nhằm tìm ra lý do tại sao con người lại hành động theo cách họ làm. Khi những dòng cuối cùng của bài hát mờ dần, tất cả những gì còn lại là nhịp tim mở đầu album và một kết luận đầy hài hước nhưng cũng đầy đen tối của người gác cửa Abbey Road, Gerry O'Driscoll: “Thực sự không có mặt tối của mặt trăng. Nhưng trên thực tế, tất cả mọi thứ đều tối đen như vậy”.

Với nhịp tim trung tâm của album tạo ra một vòng lặp vô tận quay lại phần đầu, The Dark Side of the Moon tự thiết lập khả năng phát lại vĩnh viễn. Mỗi lần bạn quay lại với nó, album sẽ kéo bạn trở lại vòng lặp của nó. Với các chủ đề vượt thời gian và tay nghề hoàn hảo đã nâng tầm album lên trên cả sự phức tạp và khoa trương, The Dark Side of the Moon vẫn tạo được tiếng vang trong nhiều thập kỷ kể từ khi phát hành lần đầu.

Đó là một album vượt qua phong cách và thể loại, nhưng nó vẫn đại diện cho đỉnh cao của nhạc progressive rock, khai thác thứ mà mọi người có thể thưởng thức và ám ảnh đến sau này. Đó là một album của con người, về con người và cho con người. Chừng nào vẫn còn người nghe nhạc, sẽ còn có người nghe Dark Side. Mặc dù họ là một trong những ban nhạc lớn nhất mọi thời đại, nhưng chắc chắn sẽ đến lúc Pink Floyd cũng sẽ chìm vào dĩ vãng. Nhưng The Dark Side of the Moon sẽ không bao giờ phai mờ như thế.