#longread

TỪ EMOODZIK

Read full article: Jimi Hendrix

Jimi Hendrix: Vì sao anh là cầm thủ Chúa?

Như The Beatles cần 9 năm để chinh phục thế giới và thay đổi hoàn toàn lịch sử âm nhạc, thì chỉ trong 5 năm ngắn ngủi, Jimi Hendrix đã làm điều tương tự với thế giới nhạc Rock bằng cây đàn guitar của mình.

Điều đặc biệt hơn cả và có lẽ chỉ càng làm tăng thêm cái sự mỉa mai dành cho nước Mỹ, khi tay guitar xuất sắc nhất mọi thời đại do họ sản sinh ra, với cái linh hồn tẩm ướp đẫm tinh thần nhạc Blues chính hiệu; rốt cục lại phải lần mò sang Anh để phát triển sự nghiệp.

Jimi Hendrix Experience chính thức xuất hiện và chơi ở phòng trà Bag O’ Nails ở London vào ngày 25 tháng 11 năm 1966. Chả biết buổi đó gây tiếng vang thế nào nhưng có khối người nổi tiếng tự nhận đã ở đó để chứng kiến thời khắc vĩ đại: John Lennon, Paul Macca, Mick Jagger, Jimmy Page, Brian Jones, Eric Clapton, Jeff Beck, và cả cậu ca sĩ Farrokh Bulsara lạ hoắc mà mãi sau mới được biết tới với cái tên Freddie Mercury.

Read full article: Steve Vai

5 sắc thái của Steve Vai

Những nghệ sĩ ngon lành nhất chắc cũng sẽ phải mệt nhoài khi chơi nhạc cùng Frank Zappa. Thu âm những bản nhạc phức tạp là một chuyện, trình diễn chúng hàng đêm đã khiến không ít những nghệ sĩ có số má phải kiệt sức. Sau 3 năm rong ruổi cùng Frank, Steve Vai quyết định dừng cuộc chơi nhạc khó.

Phải cái, những nhạc công từng chơi nhạc cho Frank Zappa sẽ không được thị trường đối xử như những người “bình thường”. Nói thẳng ra, họ không phải những người được thị trường săn lùng, dù có tài nghệ bậc thầy. Và ở chiều ngược lại, Steve Vai lúc ấy cũng không chắc làm thế nào anh có thể tự lập ra ban nhạc solo của riêng mình. Vậy cách tốt nhất hẳn là chờ xem có ban nhạc nào đã có tên tuổi.

Thế là ngay khi Yngwie Malmsteen rời khỏi ban nhạc của Graham Bonnet, Steve Vai được gọi vào chơi cho Alcatrazz. Đây là bước đi cực kỳ khôn ngoan của Steve Vai bởi ban nhạc của Graham Bonnet lúc này hiện đang lên như diều gặp gió với cái tên Yngwie Malmsteen, kẻ đã thể hiện những màn trình diễn guitar vô tiền khoáng hậu.

Dù gì thì thanh niên Steve Vai vẫn thấy tự tin hơn khi đứng sau lưng một frontman vững chãi để trình diễn nhưng màn ảo thuật của mình, thay vì phải tự mình tiến lên phía trước nhận lấy toàn bộ ánh sáng của sân khấu.

Và sự nghiệp đáng nhớ của Steve Vai bắt đầu từ đây.

Read full article: Paul McCartney

Ngày hôm qua của Paul McCartney

“Yesterday

All my troubles seemed so far away

Now it looks as though they're here to stay

Oh, I believe in …”

***

Paul tỉnh dậy, không buồn bước chân ra khỏi giường để đánh răng, rửa mặt hay cạo râu. Gã rơi vào trầm cảm vì không ngờ có một ngày như vậy xảy đến. Ban nhạc mà gã đã dành hết đam mê và tham vọng để gây dựng, kể cả đã trải qua biết bao biến cố, nay mỗi người một ngả. Nói đúng hơn là ba kẻ kia đều không còn ai muốn chơi với gã. John thì đã nói ra ý định bỏ The Beatles và hướng sự tập trung của mình sang việc chơi nhạc cùng Eric Clapton và Klaus Voormann cho dự án Plastic Ono Band cùng với Yoko Ono. George và Ringo thì đều không muốn dây với gã, nhất là khi Paul là người duy nhất không đồng ý có sự tham gia của Allen Klein – tay quản lý mới (người đang làm quản lý cho chính ban nhạc The Rolling Stones).

Chai whisky là người bạn duy nhất của Paul, trong khi nửa kia của gã, cô vợ Linda còn bận lo chăm sóc cho hai đứa con (một đứa con riêng và cô con gái đầu lòng với Paul). Để sốc lại tinh thần ông chồng, Linda khuyên Paul nên nghĩ tới chuyện chuẩn bị một sự nghiệp âm nhạc solo cho riêng mình, mà không cần phụ thuộc vào tương lai của ban nhạc nữa. Dù Linda đã từng là kẻ thứ ba khi chen chân vào chuyện tình cảm của Paul khi gã còn đang đính hôn với Jane Asher, sự đồng cảm giữa Linda và gã như đôi bạn tình tri kỷ vậy. Khác với Jane, Linda biết ph ê t h u ố c và chia sẻ nhiều thú tiêu khiển cùng gã, và quan trọng hơn là chịu hy sinh sự nghiệp riêng để ở nhà làm vợ và làm mẹ, đúng với ý muốn của những tay đàn ông có suy nghĩ cổ hủ muốn làm chủ gia đình như Paul.

Paul bừng tỉnh. Chẳng mấy chốc, gã đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị thu âm để tự sáng tác, sản xuất, hát và chơi toàn bộ các nhạc cụ cho các bài nhạc mà sau này trở thành album solo đầu tiên của gã mang tên McCartney (1970). Những track thu âm đầu tiên bao gồm bài nịnh vợ “The Lovely Linda”, hai bản được sáng tác từ thời The Beatles là “Junk” và “Teddy Boy”, và track mang đậm chất thể nghiệm về nhịp điệu qua các bộ gõ trong bài “Kreen-Akrore”.

***

Ngày Hôm Qua của năm 1970, ban nhạc The Beatles hẵng còn đang tập hợp lại bên trong studio để thu âm album Abbey Road (1969). Mặc dầu Let It Be là album cuối cùng được phát hành của ban nhạc, Abbey Road mới là sản phẩm mà bốn thành viên lần cuối cùng chơi đàn và hát cùng nhau. Không khí trong studio có sự tích cực rõ ràng, khác xa với những gì đang xảy ra gần đây. Cả bốn người họ chơi nhạc như một nhóm bạn đã từng một thời gắn bó keo sơn.

TỪ VNROCK COMMUNITY

LED ZEPPELEIN – NẤC THANG LÊN THIÊN ĐƯỜNG 

by Felix Young

Khi nhắc đến những ca khúc xuất sắc nhất của nhạc rock, không ai có thể không nói đến Stairway To Heaven ca khúc ví như “ vua của các ca khúc”. Từ khi ra đời cho đến nay, Stairway To Heaven luôn dẫn đầu các cuộc bình chọn về ca khúc xuất sắc nhất cũng như những câu solo guitar xuất sắc nhất. Tuyệt phẩm rock này ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?


Sau khi album Led Zepplein II có mặt, ban nhạc bắt tay vào việc viết ca khúc mới cho album tiếp theo, chọn một vùng quê xa xôi hẻo lánh để hòa mình vào cùng thiên nhiên & nuôi dưỡng cảm xúc. Địa điểm là khu nhà cổ Headly Grange vùng Hamsphire, một trang trại nhỏ gần như bỏ hoang biệt lập với thế giới bên ngoài & không có điện.


Một đêm bên bếp lửa, Jimmy Page lấy guitar gỗ dạo một vài đoạn & gần như tức thì Robert Plan lẩm nhẩm hát theo tiếng đàn: “ There’s a lady who’s sure, all that glitters is gold and she’s buying the stairway to heaven”. Đó là câu chuyện về một trong số những cô bạn gái hờ của Robert, trong một đêm say rượu đã sử dụng thẻ tín dụng của anh đi mua sắm. Kết quả cô trở về tay khong vì thứ cô cần mua là chiếc thang máy cuốn trong khu mua sămcs và dĩ nhiên người ta từ chối không bán. Câu chuyện này trở thành để tài để mọi người trong band đùa vui những lúc rảnh rỗi. Nhưng đối với Robert Plan, hình ảnh cô bạn gái đỏng đảnh đòi mua chiếc thang cuốn vì nghĩ rằng mình có nhiều tiền & hình ảnh những bậc thang bắc lên thiên đàng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt hình tượng. Robert triết lý trong ca khúc:” Không phải tất cả những thứ lấp lánh đều là vàng” & “ Đồng tiền không thể mua được tất cả”.


Ban nhạc bắt đầu thu âm ca khúc mới này vào tháng 11 năm 1970 tại Island Studio. Ca khúc được chia làm ba phần chính, phần mở đầu được chơi theo phong cách folk kết hợp guitar thùng, phần hai hát nhanh & mạnh hơn với guitar điện & phần cuối cùng chơi mãnh liệt với chất rock , trống, bass & guitar điện. Trong hai phần đầu, bassist John Paul Jones của nhóm đã đóng góp tiếng sao gỗ & tiếng piano điện tử từ cây đàn hiệu Rhode của mình. Một điều mà ít người biết đến là khi thu âm ca khúc này, Jimmy Page không sử dụng đàn Les Paul Gibson mà anh thường dùng. Anh sử dụng cây Fender Telecaster cho ca khúc cùng đàn thùng hiệu Harmony và Fender Electric XII ( 12 dây). Để giải quyết vấn đề phải đổi guitar trong diễn live, Jimmy Page đã đặt Gibsson sản xuất cho mình cây guitar hai cần nổi tiếng Gibson EDS-1275 khiến cho việc diễn trở nên thuận lợi. Và cây đàn hai cần cũng trở thành một biểu tượng gắn liên với Jimmy Page kể từ lúc đó.


Đến phần cao trào đoạn cuối, Jimmy đã thu âm ba đoạn solo liên tiếp trên cùng một nền nhạc ý định sẽ chọn ra đoạn solo hay nhất đưa vào bài hát. Nhưng không có đoạn solo nào làm cho anh hoàn toàn vừa ý. Cuối cùng Jimmy đã dùng cách “ cắt” những khúc vừa ý của từng đoạn và “ dán” chúng lại với nhau thành đoạn hoàn chỉnh. Đó là phần solo được nghe trong bản thu âm chính thức.


Cho đến nay “Stairway” đã trở thành cảm hứng cho vô số các ban nhạc & ca sĩ. Có đến hơn 100 bản cover lại ca khúc này theo đủ phong cách từ hard rock ( Great White), country ( Dolty Parton), jazz ( Pat Boone), reggae ( Far Cooporation), punk ( Me First and the Gimme Gimme) đến phong cách thổ dân của nhạc sĩ Rolf Harris trong đó ông đã sử dụng toàn những nhạc cụ đặc thù của thổ dân Úc. Tuy nhiên cho dù cover lại bằng phong cách nào đi nữa, phiên bản chính của Led Zepplein vẫn là tượng đài của nhạc Rock. 

Viết về “Dzanca”... 

by Dzung

“Dzanca” là full-length album thứ 2 mà tôi phát hành với tư cách là Solo Artist và là đĩa nhạc thứ 9 tôi sản xuất sau các album của Hạc San & Final Stage. Xin phép chia sẻ với các bạn về quá trình ra đời của “Dzanca” - đĩa nhạc mà tôi tâm đắc nhất sự nghiệp 20 năm chơi đàn của mình.


Chắc các bạn đã nghe nhiều về Những Ước Mơ. Ước mơ cao đẹp, ước mơ giản dị, ước mơ xa vời… Còn ước mơ của tôi là một ƯỚC MƠ ĐIÊN RỒ: năm 10 tuổi tôi muốn được chơi electric guitar, muốn được chơi thứ nhạc metal gai góc như thần tượng thời thơ ấu của mình - Ban nhạc Da Vàng. Tôi muốn trở thành một Anh Hùng Guitar!


Và tôi vẫn sống với ước mơ điên rồ đó 20 năm qua.


Có một sự kiện mang tính bước ngoặt năm 2007 đã thay đổi tư duy âm nhạc của tôi hoàn toàn. Đó là chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sĩ Quốc Trung với phần trình diễn album “Đường Xa Vạn Dặm” cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Tôi vẫn nhớ như in một câu nói của thầy Quốc Trung “Âm nhạc dân gian là gia tài ông bà ta để lại cho tất cả con cháu. Ai cũng có quyền sử dụng phần của mình”. Từ đó, tôi đã loay hoay trong rất nhiều năm để sử dụng cái “gia tài” của mình. Nếu bạn theo dõi các sản phẩm âm nhạc của tôi từ năm 2004 cho tới nay, tất cả các đĩa nhạc tôi produce đều mang âm hưởng dân gian. Đó là “Bèo dạt mây trôi” trong “Sân khấu cuối cùng” (2010), đó là “Lý Cây Bông” trong “Dung thứ… là đau khổ” (2008), đó là “Xe chỉ luồn kim” trong “Tiếng đàn hàm oan” (2015), “Con gà gáy le te” trong “Một giấc chiêm bao” (2018)…


Vậy là từ đó ước mơ Anh Hùng Guitar của tôi lại tiếp tục với Metal và “Gia tài” của ông bà để lại cho là những giai điệu dân ca Việt Nam.


Năm 2014, tôi trở thành học trò của thầy Tuấn Tysann - guitarist của Da Vàng, thần tượng từ thời bé của tôi. Buổi học đầu tiên thầy giao cho tôi một bài tập đơn giản là về nghe lại những bản nhạc, video mà mình chơi guitar và ngẫm nghĩ xem tiếng đàn đó đã ổn chưa. Vì sao? Vì tiếng đàn là tiếng nói của con người thông qua cây đàn, một con người có một tâm hồn đẹp thì tiếng đàn mới đẹp được. Tôi đã rất buồn vì khi đó tôi nhận ra tâm hồn mình thật giận dữ, xấu xí như tiếng đàn của mình lúc đó. Bài học của thầy Tuấn Tysann đi theo tôi suốt từ đó, tôi vẫn viết nhạc, sáng tác nhưng dành thời gian để tìm kiếm “tiếng nói” của mình qua cây electric guitar.


Năm 2018, tôi bước vào một cuộc sống cô độc hay có thể gọi là khoảng thời gian “vào hang” tu luyện, chỉ đi làm công ty rồi về nhà tập đàn và viết nhạc để hiện thực hoá một album Guitar Solo. Thời gian này tôi phát hành album “Cánh cửa thần kỳ” với hàm ý tôi sẽ mở một cánh cửa mới trong âm nhạc của mình. Khoảng thời gian 3 năm này lấy đi của tôi rất nhiều, tôi đã ngắt kết nối với bạn bè & gia đình, một ngày làm công việc chính 8-10 tiếng và 4-6 tiếng để viết các track nhạc cho “Dzanca”, không ngơi nghỉ dù chỉ một ngày.


May mắn thay, trong sự quay cuồng đó, tôi tìm được “tiếng nói” của mình: tiếng nói của gã Việt Nam ăn phở tái gầu, uống cà phê và beer lạnh mỗi ngày. Chắc tiếng đàn của tôi khi nghe các sẽ thấy thoang thoảng dư vị của mấy món này.


Tháng 11/2018 tôi viết bản “Lý Cây Bông” là khởi đầu cho “Dzanca” sau này. Tháng 11/2019, “Tình Tính Tang” ra đời như một bước đệm cho năm 2020 khi tôi hoàn thiện 11 tracks của album với sự trợ giúp của những người anh em 24BEAT và Saigon Root Music trong vòng 6 tháng cuối năm. (trong số này tôi viết 5 tracks năm 2020, 4 tracks năm 2019 và 2 tracks năm 2018).


Có 5 thứ “NGƯỢC ĐỜI” tôi muốn diễn đạt qua “Dzanca”:


 1. Ở Việt Nam, người nghe luôn chú trọng vào phần ca từ (hay chính xác hơn là ca sĩ) mà xem nhẹ phần khí nhạc. Vì vậy, “Dzanca” là một album chỉ có khí nhạc hay còn gọi là instrumental.


 2. Ai cũng thuộc những câu hát dân ca, nhưng nhạc dân ca chưa bao giờ được đặt vào một vị trí đủ trang trọng. Tôi muốn có nhiều người yêu thứ âm nhạc của người Việt Nam này hơn cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Tôi rất yêu Việt Nam.


 3. Nhạc metal hay cụ thể là progressive metal luôn bị áp đặt là thứ nhạc nặng nề, khó nghe. Tôi không đồng ý vì nhạc metal có nét đẹp riêng của nó. Tôi sẽ cho bạn thấy nét đẹp đó.


 4. Những người chơi nhạc cụ ở Việt Nam luôn bị coi là BACKGROUND, tôi đã mời được 20 nghệ sĩ chơi các nhạc cụ dân tộc lẫn phương Tây để cho thấy rằng chúng tôi xứng đáng được đặt ở vị trí FOREGROUND.


 5. Các nghệ sĩ tham gia trong “Dzanca” trải dài Bắc Trung Nam với nhiều thế hệ khác nhau. Từ nghệ sĩ gạo cội như NSUT Hải Phượng đến những nghệ sĩ trẻ đang nổi lên như Nhím (Chillies), Yellow Star Big Band hay thậm chí Guitar Hero của thế giới Jack Thammarat, DrummerBoy Cuong Nhoc… Tôi muốn nói rằng âm nhạc thì không có giới hạn cho dù là tuổi tác hay địa lý.


Tóm lại, tôi muốn làm một album không có chút gì gọi là “trendy”, nhưng mọi thứ đều chân thực và thành tâm. Nghệ thuật đối với tôi là như vậy và âm nhạc của tôi không có chỗ cho sự hời hợt.


“Dzanca” đã được phát hành vào ngày 29/01/2021 sắp tới và tôi có lẽ sẽ không thể trở thành một Anh Hùng Guitar như ước mơ 20 năm trước.


Nhưng


Tôi hạnh phúc vì mình đã là một “Anh Dzũng Guitar” rồi. 


#dzung #dzanca

Anh em có thể nghe Dzanca tại:

https://open.spotify.com/album/3VISys996DQq2ugBpGhtfq...